Với suy nghĩ cho con ăn bột sớm con sẽ cứng cáp hơn nên một số mẹ đã cho con ăn bổ sung khi mới được 2-3 tháng tuổi. Quan điểm này là hoàn toàn sai lầm khi mà Tổ chức y tế đã khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Các bác sỹ cho biết, việc cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác, dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe của trẻ trong hiện tại và cả tương lai.
Cho trẻ ăn bột sớm làm trẻ ít bú mẹ hơn, bà mẹ sẽ tạo được ít sữa hơn. Một số thức ăn bổ sung khác như bột ngũ cốc, rau, quả… có thể ảnh hưởng tới sự hấp thu sắt trong sữa mẹ dẫn tới trẻ sẽ bị thiếu máu do thiếu sắt.
Khi cho trẻ ăn dặm nếu người mẹ có thói quen nấu bột mặn khiến lượng natri đưa vào cơ thể trẻ tăng lên nhiều lần so với lượng natri có trong sữa mẹ. Do đó những trẻ này sẽ có nguy cơ cao bị bệnh tăng huyết áp trong khi những đứa trẻ bú sữa mẹ sẽ không tiềm ẩn yếu tố gây bệnh này.
Việc ăn bổ sung quá sớm còn làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ. Khi mới thay đổi chế độ ăn, trẻ có thể chưa quen nên không muốn ăn, nôn oẹ, bị rối loạn tiêu hóa… Nhưng dần dần cơ thể cũng phải thích ứng với chế độ ăn đó. Khi trẻ đã thích nghi và đón nhận chế độ ăn dặm sớm một cách bình thường thì các bà mẹ lại tiến hành tẩm bổ cho con. Và đến lúc trẻ ăn quá nhiều đã trở thành thói quen thì tất yếu sẽ dẫn đến tăng cân quá mức và bệnh béo phì xuất hiện. Nghiêm trọng hơn nếu không được điều chỉnh kịp thời thì bệnh phát triển mãi đến tuổi trưởng thành.
Ngoài ra, những trẻ được ăn dặm sớm cũng có nhiều nguy cơ bị dị ứng thức ăn.
Do những lý do trên, các mẹ cẩn thận đừng cho bé ăn dặm sớm quá nhé.